Nằm ở phía Bắc huyện Vĩnh Bảo, cách trung tâm Thị trấn khoảng 7km về phía Bắc, Miếu Bến nằm cạnh bến đò qua sông Luộc, thuộc thôn Hà Phương xã Thắng Thuỷ huyện Vĩnh Bảo.
Khu di tích LSVH cấp quốc gia- Miếu Bến
Nằm ở phía Bắc huyện Vĩnh Bảo, cách trung tâm Thị trấn khoảng 7km về phía Bắc, Miếu Bến nằm cạnh bến đò qua sông Luộc, thuộc thôn Hà Phương xã Thắng Thuỷ huyện Vĩnh Bảo.

Quang cảnh miếu Bến
Miếu thờ Cương Nghị và Bảo Công, hai danh tướng của vua Hùng Duệ Vương cùng Thục Phán An Dương Vương, vị vua kế tục truyền thống dựng nước của 18 đời vua Hùng và Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, danh tướng triều Lý .
Miếu Bến-Hà Phương là một công trình kiến trúc cổ theo kiểu chữ Tam gồm có 3 toà nhà: Tiền đường, đại bái và nội cung. Quy mô miếu tuy không lớn, nhưng đồng bộ và tiềm ẩn nhiều giá trị quý về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993.
Nổi bật nhất là Tam quan miếu được xây bằng gạch cao to, đường bệ và hài hoà với cảnh quan khuôn viên. Sân miếu vuông vức, lát gạch phẳng phiu. Bộ mái toà miếu lợp ngói mũi hài, rêu phong cổ kính.
Hiên toà miếu thấp nhỏ, được bó bằng những viên gạch Bát Tràng. Ba gian trung tâm cả trước và sau toà tiền đường và mặt trước toà đại bái, hậu cung đều mở cửa gỗ kiểu “cửa tùng cung khách” tạo cho toà miếu cổ càng thêm thần bí và linh thiêng. Nối toà tiền đường với toà đại bái là hai giải vũ gồm sáu gian nhỏ xinh như những nhà cầu nối dẫn du khách viếng thăm và người hành sự vào nội cung không phải chịu ảnh hưởng của thời tiết bên ngoài. Khoảng trống giữa là sân “lọng” vuông vức tạo một khoảng sáng trời thật êm dịu và tạo thêm chiều sâu của không gian kiến trúc.

Sân lọng
Bước vào bên trong toà cổ miếu sự ngạc nhiên như được tăng lên bởi hệ thống cuốn thư, đại tự, câu đối, cửa võng...những di vật này tuy không còn mang niên đại từ thời khởi dựng nhưng đó là những mảng chạm và linh vật khá đẹp, khá điển hình. Trang trí ở đây chủ yếu là đề tài tứ linh, vật linh và cỏ cây, hoa lá. Những con rồng, con lân được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau trong thế chầu mặt nhật lúc to, lúc nhỏ, bộ mặt dữ tợn song được thể hiện rất sáng tạo và khả ái. Còn rùa được thể hiện y như thật, khi được cách điệu hoá thành hình vuông, hình lục giác, lưng đội hòm sách, tượng trưng cho sự trường tồn vĩnh cửu. Những con chim phượng hoàng đẹp đẽ được thể hiện một mình hoặc từng cặp khi được thể hiện như thân gà lúc lại ẩn mình trong mây cụm...Đào, mai, lan, cúc, trúc, sen được hoá thân thành những con rồng, con lân, chim phượng, các biểu tượng cầu mong những điều tốt lành, sự sinh sôi, nảy nở, mùa màng bội thu...
Miếu Bến không chỉ là công trình kiến trúc đẹp mà trong đó còn lưu giữ được nhiều hiện vật, tư liệu quý gồm đủ các chất liệu gốm, đá, gỗ, đồng...đặc biệt là hai bia đá có niên đại Tự Đức (1875 và 1882). khắc trọn vẹn bản ngọc phả của hai vị Thành Hoàng. Ngoài ra còn lưu giữ 22 sắc phong trải dài từ niên hiệu Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh đến Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định. Đây là những văn bản chữ Hán rất quan trọng trong việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của các vị Thành Hoàng làng về cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ngay buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Lễ hội miếu Hà Phương rất độc đáo, mang nét đặc thù của địa phương. Nghe các cụ cao tuổi kể lại thì lịch trình lễ hội ở Hà Phương ngày xưa thật phong phú, phản ánh sự giao hoà giữa con người với con vật, thiên nhiên sông núi, cỏ cây...Lòng người những mong trời đất mưa thuận, gió hoà cho dân khang, vật thịnh. Làng có lệ mở hội mùa xuân diễn ra trong 3 ngày bắt đầu từ ngày 6/1 (âm lịch), có lễ tiễn Long Chu, lệ làm thuyền rồng bằng giấy tế lễ trong 3 ngày, sau đó mang ra sông hạ thuỷ. Trò vui có nhún đu, đấu vật, hát chèo, diễn xướng, ca trù... Sang tiết hè thu có hội thi thả diều, thả đèn trời...
Di tích miếu Bến, Hà Phương cùng những di vật cổ, là những chứng tích vật chất gắn liền với truyền thống lịch sử có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngày nay với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.